Vào cuối 2017, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện công bố quy hoạch chi tiết về nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Xác định khu bến cảng Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp, Quận Nhà Bè, Tp.HCM) sẽ là khu bến cảng chính của Tp. HCM trong tương lai, Bộ GTVT dự kiến thực hiện việc di dời, chuyển đổi công năng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với 10 bến cảng trên sông Sài Gòn.
Trong số đó, cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, thuộc quyền quản lý của Cty CP Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn – Mã CK: SGP) – tiền thân là Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn, sẽ được quy hoạch để chuyển đổi công năng sử dụng
Trong đó, phần diện tích hơn 13 ha tính từ mép cầu cảng sẽ thành khu cảng tàu khách và du lịch đường thủy. Phần diện tích hơn 31 ha còn lại rộng ra đến hàng rào cảng sát đường Nguyễn Tất Thành, là khu kho bãi của cảng, được quy hoạch thành khu đô thị cao cấp với tên gọi Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội.
Cùng với khu CBD Q1, Thủ Thiêm thì khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội khi hoàn thành sẽ đưa diện mạo đô thị Sài Gòn lên tầm cao mới:
MỞ RỘNG ĐƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH, QUẬN 4
Theo quy hoạch, đường Nguyễn Tất Thành đoạn qua khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội và đoạn đường Đoàn Như Hài trong khu vực cảng sẽ được mở rộng để giải toả áp lực lưu thông trong khu vực.
Hiện tại đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4 chỉ rộng 7 m cho mỗi chiều và là tuyến huyết mạch nối thông quận 1, Q 4 và Q 7. Hiện tuyến đường này dùng cho các dòng xe ra vào cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, cảng Tân Thuận, Bến Nghé và là tuyến vận chuyển xăng dầu từ Nhà Bè vào nội đô. Trong tương lai, tuyến đường này sẽ phải mở rộng lên 37- 42 m và trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối quận 4 với Quận 1, Quận 7 và ngược lại.
Theo ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP), việc mở rộng đường Nguyễn Tất Thành theo quy hoạch trên là cấp bách để xóa các điểm đen về ùn tắc tồn tại trên tuyến từ nhiều năm qua. Mặt khác, đường này phải làm trước để đón đầu, đáp ứng nhu cầu phát triển của hai khu chức năng cảng tàu du lịch và khu đô thị cao cấp nêu trên.
“Ngân sách thì quá eo hẹp, khó có để sớm làm đường này. Còn phương án huy động nhà đầu tư hưởng lợi từ các dự án ở hai khu chức năng trên thì mới chỉ là dự tính, nghiên cứu, xem xét” – ông Ninh cho biết.
Bên cạnh đó, việc mở rộng đường Nguyễn Tất Thành từ tim ra đều hai bên thì lượng nhà dân ở phía bên tay phải, theo hướng từ quận 1 qua quận 7, bị giải tỏa, bồi thường sẽ rất lớn, kinh phí từ ngân sách khó gánh nổi. Còn nếu mở lệch về phía bờ rào cảng thì nhà đầu tư được giao đất rất khó chấp thuận.
Tương tự, con đường Đoàn Như Hài nằm trong khu cảng hiện hữu, nếu kéo dài suốt 1.800 m thì sẽ được ai đầu tư: TP hay nhà đầu tư khu cảng du lịch hay nhà đầu tư khu đô thị cao cấp? Đó là các câu hỏi hiện còn bỏ ngỏ.
..VÀ SIÊU ĐÔ THỊ NHÀ RỒNG KHÁNH HỘI
Tới ngày 29/12/2016, UBND Tp. Hồ Chí Minh chính thức ban hành quyết định số 6815/QĐ-UBND chấp thuận cho Ngọc Viễn Đông là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội.
Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông) ban đầu được thành lập với sự tham gia góp vốn của 3 nhà đầu tư là Cảng Sài Gòn, VIC và Bến Nghé. Cho đến thời điểm hiện tại VIC đã thoái vốn và Bến Nghé là cổ đông lớn nhất của siêu dự án
Theo đó, địa điểm thực hiện dự án tại khu Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội thuộc Phường 12, 13 và 18 của Quận 4 với tổng diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 31,5 ha.
Dự án đầu tư khu nhà cao tầng chức năng hỗn hợp gồm trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ (3.116 căn), biệt thự (32 căn), trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Tiểu khu Cảng quận 4.
Ý tưởng thiết kế “The Saigon Riverfront: A New Vision for Ho Chi Minh City’s Historic Port” (tạm dịch: “Bờ sông Sài Gòn: Một tầm nhìn mới cho khu cảng lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh”) do Sasaki Associates công bố 2017 là bước đệm để người ta tin tưởng hơn vư sự quy mô, hoành tráng và đẳng cấp của siêu dự án mang lại.